Wednesday, January 31, 2018

Ngắm Những Màn Viết Chữ Đẹp Đến Không Tin Nổi

Ngay từ thuở nhỏ, chúng ta đã được các thầy cô dạy về bài học viết chữ đẹp. Nếu chữ viết của bạn xấu như gà bới, đồng nghĩa với việc bạn là người lôi thôi, cẩu thả. Thế nhưng, nếu chữ của bạn cũng nắn nót như 14 cao thủ dưới đây, bạn chính là người mà cả thế giới ngưỡng mộ rồi đấy.












From: Kim Hoa

Tình Em Như Đóa Pansy - Trầm Vân

Bản Sắc Dân Tộc Trong Tiến Trình Toàn Cầu Hóa - TS Mai Thanh Truyết (Danlambao)


Đứng trước xu hướng toàn cầu hóa trong mọi lãnh vực của con người, lằn ranh quốc gia, chủng tộc,... lần lần phai nhạt dần. Và cùng với sự tiếp tay của các nước hậu kỹ nghệ, người dân của các quốc gia đang phát triển ngày càng được tiếp thu và hấp thụ thêm nhiều thành quả của tiến bộ khoa học để cải thiện xã hội từng bước một.

Tuy nhiên cũng cần nhận rõ thêm nhiều mặt tích cực và tiêu cực của một số quốc gia Tây phương trong cung cách hành xử trước xu hướng trên để có cái nhìn khái quát về các phương cách tiếp cận môi sinh cho toàn cầu. Xin đan cử ra đây hai trường hợp cần cho chúng ta suy gẫm. Đó là trường hợp nước Đức và Pháp.

1. Về nước Pháp
Nước Pháp và người Pháp luôn luôn tự hào là chiếc nôi của cuộc cách mạng dân chủ trên thế giới qua cuộc nổi dậy phá ngục Bastille năm 1789, đã kiêu hãnh vì có một nền văn hóa ưu việt và một ngôn ngữ văn minh và tiến bộ nhất trên thế giới. Nước Pháp cũng là một trong những quốc gia đầu tiên phát triển công-kỹ-nghệ và có nền kinh tế thịnh vượng hàng đầu... Nhưng đứng trước nhu cầu toàn cầu hóa, người dân Pháp đã thể hiện một số mặt tiêu cực có thể làm chậm lại tiến trình đi đến gần nhau của các dân tộc trên thế giới để cùng giải quyết những vấn đề chung cho nhân loại. Thí dụ điển hình sau đây kiên quan đến việc sử dụng ngôn ngữ trong giao dịch quốc tế đã nói lên tính "cô lập" tiêu cực của người Pháp.

Kể từ năm 1994, chính phủ Pháp đã dự phóng tính toàn cầu hóa của nhân loại nên có khuyến cáo về việc sử dụng tiếng Anh trong giáo dục, dịch vụ công cộng và trao đổi quốc tế. Claude Allegre, Bộ trưởng giáo dục Pháp thời bấy giờ đã yêu cầu các nhà khoa học, nghiên cứu trong khi viết khảo luận hay báo cáo nên trình bày bằng Anh ngữ. Nhưng cho đến 2000, các tài liệu nghiên cứu từ Pháp vẫn hoàn toàn soạn thảo bằng Pháp ngữ và đây là một cản ngại lớn cho nước Pháp và thế giới trong việc trao đổi các tiến bộ của khoa học. Đến năm 2015, tình trạng có tiến bộ hơn nhưng chỉ có khoảng trên dưới 20% bài báo cáo khoa học được trình bày bằng tiếng Anh. Hiện tại, chỉ còn 130 triệu người nói tiếng Pháp so với hơn 7 tỷ người hiện diện trên thế giới.

Tính cực đoan trên còn thể hiện qua việc trao đổi trong lãnh vực hàng không. Các phi công Pháp vẫn tiếp tục cưởng lại lệnh của chính phủ đề ra trong luật An toàn Không lưu vào tháng 2/2000 về việc sử dụng Anh ngữ khi đi và đến phi trường De Gaulle (Paris).

Hai sự kiện trên thể hiện rõ tinh thần tự mãn và niềm tự ái dân tộc cực đoan của người Pháp. Và kết quả là nước Pháp hiện tại không còn ảnh hưởng mạnh về chính trị-kinh tế-văn hóa đối với các quốc gia đang phát triển như ngày xưa nữa. Vị trí của nước Pháp đã tụt xuống hàng thứ yếu cùng với các trì trệ về kinh tế-xã hội mà chính phủ Pháp đang phải đương đầu.

Trong lịch sử, ảnh hưởng của Pháp về văn hóa cùng ngôn ngữ rất quan trọng đối với Việt Nam. Vào giữa thế kỷ 20, có thể nói rằng hầu hết trí thức từ Bắc chí Nam đều sử dụng Pháp ngữ một cách rành rọt. Cho đến năm 2000, trong kỳ thi tốt nghiệp trung học trên khắp nước có 528.380 học sinh, trong đó 471.585 thí sinh chọn môn Anh văn là ngoại ngữ chính, trong khi chỉ có 18.006 chọn Pháp văn và 5.801 chọn Nga văn.

Ngay trong lãnh vực điện toán cũng vì tính cực đoan trên mà người Pháp đã để lộ ra rõ những yếu điểm trong việc chuyển ngữ các từ thông dụng quốc tế từ Anh ngữ mà đôi khi không hiểu ý nghĩa thực sự của các từ đó. Đại để như: CD rom ra Cédérom, Start-up ra Jeunes pousses (?), và lố bịch hơn nữa là Stock option ra Option sur titre (?!)

2. Về nước Đức
Trở về nước Đức, từ khi bức tường Bá Linh sụp đổ người dân và chính phủ Tây Đức trong gần mười năm phải cưu mang hai vấn nạn chính:

1- Một Đông Đức nghèo nàn và hạ tầng cơ sở cùng hệ thống công-kỹ-nghệ không còn phù hợp với cung cách phát triển mới;

2- Dân sinh và dân trí người Đông Đức ở dưới mức trung bình quá xa so với người dân Tây Đức.

3- Thêm nữa, sau gần 50 năm dưới chế độ cộng sản, người dân Đông Đức không còn thấy định hướng mới nào nữa cho xã hội đứng trước sự phát triển quá kỳ tân tiến của đồng hương từ phía bên kia bức màn sắt.

Đứng trước tình trạng đó, thay vì hành xử với cung cách của kẻ chiến thắng về kinh tế và chính trị đối với người chiến bại, chính phủ và người dân Tây Đức đã mở rộng vòng tay cứu vớt đồng bào ruột thịt Đông Đức. Họ đã tân trang, chuyển vận các công nghiệp "sạch" qua Đông Đức cùng với việc hàn gắn vết thương ý thức hệ do một chủ thuyết không tưởng đã tạo ra sự nghèo đói cho phân nửa phần đất nước.

Theo ước tính từ năm 1990, Tây Đức dự trù chuyển dịch từ 200 đến 300 tỷ Mỹ kim trong vòng 20 năm tới cho công tác trên. Vì vậy, khoảng cách kinh tế - kỹ thuật giữa hai miền đất nước lần lần được thu hẹp lại. Và hai người anh em ruột thịt Đông Đức và Tây Đức lần lần hội nhập vào sinh hoạt của một tổ quốc chung: quốc gia thống nhất Đức Quốc.

Về cung cách hành xử quốc tế, nước Đức thống nhất đã có tầm nhìn toàn cầu hóa bằng cách sáng lập và khai sinh đồng tiền chung cho Âu châu: Euro-dollar. Nước Đức thống nhất không còn đứng về phía cánh hữu cực đoan và chính phủ Đức hiện tại đã chuyển vận theo xu hướng toàn cầu hóa về lập trường chính trị dưới sự lãnh đạo của đảng ôn hòa.
Về đối nội, nước Đức thống nhất đã xem đồng bào chính quốc như một, đối lại với CSBV xem bà con miền Nam còn hơn kẻ thù truyền kiếp, và đổi lại đang cỏng rắn Bắc phương về dày xéo dân tộc.

Về đối ngoại, họ đã có cái nhìn vị tha hơn đối với các quốc gia đang phát triển bằng cách mang đến cho các quốc gia nầy nhiều viện trợ không bồi hoàn và xóa nợ... hơn là tận dụng và bốc lột kinh tế - lao động.

Đức quốc trong chiều hướng tiếp cận tương lai như trên đã có một tầm nhìn thật dân tộc, nhân bản và một hướng đi khai phóng phù hợp với nguyên tắc căn bản chân chính cho nhân loại để tiếp tục cuộc hành trình trong thế kỷ 21.

Pháp và Đức là hai quốc gia cùng có chung nhiều yếu tố:

- Một nền văn minh – khoa học tiến bộ lâu đời,

- Cùng chiếm vị trí hàng đầu trên thế giới từ thế kỷ 18.

- Hai dân tộc trên cũng cùng thể hiện tinh thần dân tộc cực đoan và đã từng làm xáo trộn thế giới dưới thời Napoléon và Hitler.

Tuy nhiên Pháp quốc đã đi ngược lại giòng lịch sử trước xu hướng toàn cầu hóa. Việc làm đó đã để lại cho một nước Pháp nhiều trì trệ về phát triển kinh tế - xã hội và trong lãnh vực bảo vệ môi trường. Mặc dầu vẫn còn nằm trong danh sách tám cường quốc trên thế giới, nước Pháp về nhiều phương diện vẫn còn đứng sau các nước có kỹ nghệ tiên tiến như Hoa Kỳ, Anh, Nhật, Úc, Canada, Bắc Âu... nhất là trong lãnh vực thanh lọc ô nhiễm nguồn nước và phế thải kỹ nghệ.

Ngược lại, chính phủ và người dân Đức đã thể hiện một hướng đi thật nhân bản không những đối với đồng bào ruột thịt mà cho tất cả các dân tộc ở những nước kém mở mang. Việc làm nầy thật dáng cho chúng ta suy gẫm. Tinh thần dân tộc cực đoan của người dân Đức (chủng loại siêu nhân) đã nhường bước cho xu thế xích lại gần nhau trên thế giới qua tính bác ái chung cho nhân loại.

3. Bản sắc “đảng” của CSVN
Nhìn lại Việt Nam, nhà cầm quyền hiện tại vẫn tiếp tục mang theo trong đầu ý tưởng siêu việt, đỉnh cao trí tuệ để điều hành đất nước mà không chịu mở rộng tầm nhìn ra thế giới bên ngoài: thế giới của sự hợp tác hài hòa và tôn trọng lẫn nhau. Kết quả đã cho thấy trước mắt là sau 42 năm thống nhất đất nước, cho dù hết sức lạc quan, Việt Nam không còn thể hiện một chỉ dấu nào cho thấy xu hướng đúng đắn trong việc phát triển quốc gia nữa. Lãnh đạo không tìm ra hướng đi khả dĩ phù hợp cho sự hồi sinh của Việt Nam. Và người dân, như hàng thần "lơ láo" quanh quẩn lo toan cho cuộc sống hàng ngày (mà vẫn chưa xong!) thì đâu còn trí tuệ nào nữa để nghiền ngẫm đến việc bồi đấp quốc gia...

Còn Việt Nam đang đứng ở đâu?
Nước Việt Nam đã chính thức thống nhất từ năm 1976 về phương diện địa dư... nhưng tình tự dân tộc còn bị ngăn chặn do những rào cản vô hình. Người dân miền Nam vẫn còn mang nhiều uẩn khúc trong cuộc sống hàng ngày từ đó đến nay. Trái lại mãi mê một xã hội mà trong suốt cuộc chiến họ chưa hề hình dung ra như thế nào!

Đứng trước xu hướng toàn cầu hóa trên thế giới, xin đan cử ra đây quan điểm của Đảng CS để chống lại sức ép của toàn cầu hóa:

"Toàn bộ vẫn đề là ở chỗ, chúng ta, những người xây dựng chủ nghĩa xã hội, có thái độ và cần hành động như thế nào trước quá trình toàn cầu hóa? Và câu trả lời của chúng ta là: "hội nhập", "mở cửa", dĩ nhiên trên cơ sở những nguyên tắc của chúng ta, vì lợi ích của chúng ta, và trong hội nhập phải chủ động, phải căn cứ thực lực và không thể không cảnh giác, không thể quên đấu tranh, phải nên nhớ hội nhập mà không hòa tan".

Chính vì những suy nghĩ giáo điều trên càng làm cho đất nước ngày càng đi vào… ngõ cụt!

 Tuy nói như thế nhưng cuối cùng ĐCSVN cũng phải thú nhận rằng: "nếu không tranh thủ được những cơ hội do toàn cầu hóa mang lại, dù là toàn cầu hóa do chủ nghĩa tư bản chi phối như ngày nay, thì chúng ta không thể xây dựng chủ nghĩa xã hội được".

Cơ hội đó xảy ra ngày 13/7/2000 sau khi Hoa kỳ và Việt Nam ký kết hiệp ước thương mại xong. Và sau 17 năm, cuộc tranh thủ của CSBV không có thêm một bước nhảy vọt nào cả ngoài việc thực hiện "toàn cầu hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa", làm cho đất nước Việt Nam ngày càng lún sâu trong đói nghèo.

4. Kết luận
- Với cung cách điều hành quốc gia và hành xử hài hòa theo xu hướng toàn cầu nước Đức đã đưa dân tộc và quốc gia đi theo chiều thuận của bánh xe lịch sử.

- Nước Pháp vẫn còn dậm chân tại chỗ mang theo tâm khảm mặc khải đứng cao và đứng xa hơn mọi tiến độ đang vận hành trên thế giới.

- Và gần đây nhất, hai người anh em Bắc và Nam Hàn với hận thù đằng đằng trong hơn nửa thế kỷ đã phải ngồi lại với nhau trong tinh thần tình tự dân tộc để bàn bạc về việc thống nhất Hàn quốc qua việc thiết lập phái đoàn thể thao mùa đông chung sẽ diễn ra vào 8/2/2018 sắp tới tại Nam Hàn. Cử chỉ và ngôn từ của hai vị lãnh tụ Nam Bắc cho thấy tinh thần hòa giải và hòa hợp thực sự của cả hai phía. Đây cũng là giải pháp thích hợp nhất cho thời đại mới: hai bên cùng chiến thắng - win-win situation. Và người dân hai miền Nam Bắc Hàn sẽ lấy lại được những gì đã mất mát trong hơn nửa thế kỷ khi nghe hai vị lãnh đạo Nam Bắc Hàn tuyên bố: một ngày mới đang khởi đầu - a new day is beginning.

Về lại Việt Nam, với những cung cách suy nghĩ nêu trên cộng thêm tâm khảm của một não trạng nghi ngờ, mặc cảm cần phải tỏ ra chủ động và hiệu chứng chuếch choáng với hơi khói chiến tranh vẫn còn đâu đây... làm sao Việt Nam có thể hội nhập vào cộng đồng thế giới và tạo được một sự thông cảm toàn diện và đồng thuận ở cả hai mặt chính quyền và người dân như trường hợp Đức và Hàn quốc.

Thống nhất lãnh thổ chưa đủ.
Cần phải thực tâm nhận lỗi và chủ động trong việc hàn gắn lại toàn khối đại dân tộc đã rạn nứt vì đa số bị bỏ rơi, bạc đãi và xua đẩy. Chỉ có việc làm sáng suốt nầy mới có thể tạo ra cơ hội cứu vãn Việt Nam trong tiến trình mới của nhân loại.

Đến bao giờ người Việt ở cả hai miền đất nước mới được nghe câu nói "một ngày mới đang khởi đầu..." bằng tiếng Việt mặc dù Việt Nam đã thống nhất về mặt địa lý trên bốn mươi năm rồi, nhưng trên tình tự dân tộc, dường như khoảng cách Bắc – Nam ngày càng cách xa.

Vì đâu đưa ra cớ sự nầy?

Phải chăng chính là do Cộng Sản Việt Nam?

Mùa Xuân hy vọng - 2018

Trả Ta - Đỗ Công Luận

Tuesday, January 30, 2018

Tháng Giêng Thắp Nến Nhớ Thương - Trầm Vân

Cho Đi Đừng Hối Hận, Mất Rồi Đừng Tiếc Nuối


Ai cũng muốn sống thật hạnh phúc và trọn vẹn nhưng cuộc sống thường 8, 9 phần không như ý muốn. Vậy chúng ta phải sống như thế nào để khi từ giã cõi đời vẫn cảm thấy hài lòng với chặng đường đã đi qua?

Sự lung linh của pháo hoa, sự điêu tàn của lá rụng, sự quay trở về với cát bụi khi kết thúc tiến trình của sinh mệnh là những hiện  thực mà chúng ta bất lực không thể nào cải biến. Cũng như ngọn núi kia, cho dù có cao và hiểm trở tới đâu, vẫn không thể làm khó bước chân của những người muốn chinh phục khám phá.

Ai trong đời rồi cũng một lần cảm thấy bế tắc và tuyệt vọng, lòng không thôi cảm thấy chới với giữa dòng đời xô bồ, bản thể nhỏ bé đến cùng cực, có những lúc sống trong khoảnh khắc nhen nhóm ý nghĩ buông xuôi, tâm hồn gần như gục ngã, mất niềm tin, mất hy vọng, trước mặt chỉ còn là một khoảng không đen đặc, đầy đau đớn.

Có một câu chuyện đáng để chúng ta suy ngẫm:
“Có một tỷ phú sống trong căn biệt thư xa hoa. Nhưng một ngày kia mắc bệnh hiểm nghèo, ông chợt nhận ra rằng tất cả những gì là danh vọng, tiền tài và vật chất, thực ra đều hư vô như mây khói.
Trong lúc cảm thấy bế tắc và tuyệt vọng vì biết rằng không thể sống lâu nữa, ông bèn tìm đến một vị danh y để xin lời khuyên. Sau khi bắt mạch, danh y nói với ông rằng: “Bệnh của ông ngoài cách này ra thì không thuốc nào có thể chữa khỏi. Tôi sẽ kê cho ông ba đơn thuốc, ông cứ theo đó mà làm, hết đơn thứ nhất thì chuyển sang đơn tiếp theo”.
Vị tỷ phú về nhà, trong lòng phấp phỏng hy vọng. Ông lấy đơn thuốc đầu tiên ra và đọc: “Hãy đến một bãi biển và nằm đó khoảng 30 phút, làm liên tục như vậy 21 ngày”. Mặc dù thấy khó hiểu, nhưng ông vẫn quyết định ra bờ biển. Ông lang thang một vòng rồi ngả lưng nằm trên bãi cát. Bất chợt một cảm giác nhẹ nhàng và khoan khoái vô cùng bao trọn thân thể ông. Vì trước đây công việc bận rộn nên ông không có cơ hội nghỉ ngơi. Nay ông có thể tĩnh tâm lại để lắng nghe tiếng gió thổi vi vu, tiếng sóng biển rì rào hòa lẫn với tiếng kêu thánh thót của đàn hải âu gọi bầy… Trái tim ông bỗng thổn thức, chưa bao giờ ông có được cảm giác thoải mái như bây giờ.
Ngày thứ 22, ông mở đơn thuốc thứ hai, trong đó viết: “Hãy tìm 5 con cá hoặc tôm rồi thả chúng xuống biển, liên tục như vậy trong 21 ngày”. Trong lòng ông đầy rẫy những băn khoăn, nhưng vẫn cặm cụi đi nhặt tôm cá rồi thả chúng ra biển. Ngắm nhìn từng con vật bé nhỏ được trở về với biển khơi, trong lòng ông không nén nổi xúc động.
Ngày thứ 43, ông đọc đơn thuốc thứ ba: “Tìm một cành cây và viết những điều khiến ông cảm thấy không hài lòng lên bãi cát”. Nhưng khi ông vừa viết xong, thủy triều lại cuốn tất cả xuống biển. Ông lại viết, sóng lại cuốn đi, lại viết, lại cuốn đi, rồi lại viết, và lại cuốn đi… Ông bật khóc nức nở vì chợt hiểu ra tất cả. Khi về nhà, ông cảm thấy toàn thân nhẹ nhàng, tinh thần chưa bao giờ thoải mái và tự tại đến thế, thậm chí ông cũng không còn sợ cái chết nữa”.

Trên thế giới không có sự lựa chọn nào là mười phân vẹn mười, tất cả những lựa chọn đều cần phải trả giá. Bạn không thể đồng thời có được sự lộng lẫy của mùa xuân và tràn ngập lá vàng của mùa thu. Bạn muốn chỉ có quyền thế có lẽ cần hy sinh tự do, bạn muốn chỉ có tiền bạc có lẽ cần phải hy sinh gia đình, bạn chỉ muốn theo đuổi công danh sự nghiệp, có lẽ cần hy sinh sức khỏe và gia đình.Con người sống trên cõi đời này là khổ, bởi vậy Phật dạy:“Cho đi đừng hối hận; mất rồi cũng đừng tiếc nuối”.

Kỳ thực, khi bạn mất đi một thứ gì đó là bởi vì thứ ấy chưa bao giờ thực sự thuộc về bạn, cho nên đừng quá nuối tiếc và theo đuổi nữa.
Kỳ thực, cuộc sống quá mệt mỏi là bởi vì phần nhỏ là do cuộc sống và phần lớn là do dục vọng, lòng tham và sự phàn nàn của chúng ta tạo ra.
Đừng để ngày hôm qua chiếm cứ quá nhiều ngày hôm nay của chúng ta.
Cuộc đời không phải mỗi lần cho đi đều có thể nhận được kết quả như ý muốn. Những thứ được coi là vốn có thường chỉ có thể đáp ứng một ham muốn nhất thời, chúng ta có thể đòi hỏi một cách tùy ý, toàn tâm để cho đi, tùy ý để hiển thị, cố ý để theo đuổi nhưng đừng chiếm hữu suốt cả cuộc đời.  

Còn có một câu chuyện khác kể rằng:
“Có một người lữ hành, lúc đi dọc bờ của một con sông lớn đã nhìn thấy một bà lão đang vì muốn vượt qua sông mà buồn rầu. Trong lúc sức cùng lực kiệt, anh ta vẫn dùng hết sức lực của mình giúp bà lão qua sông; kết quả là sau khi qua sông, bà lão một câu cũng không nói đã vội vàng rời đi. Người lữ hành rất hối hận. Anh ta cảm thấy có vẻ như nỗ lực giúp đỡ bà lão là một hành động không đáng giá bởi vì đến một câu “cảm ơn” anh ta cũng không nhận được.

Nào ngờ đâu, chỉ vài tiếng sau, lúc anh ta đã mệt tới mức không thể di chuyển, có một người thanh niên bắt kịp được anh ta. Người thanh niên này nói: “Cảm ơn anh đã giúp đỡ bà nội của tôi, bà tôi dặn tôi mang những thứ này tới cho anh dùng”. Nói xong, người thanh niên liền lấy ra lương khô, tiếp đó cả con ngựa bên mình cũng đem tặng cho anh ta. Người lữ hành lúc này vừa kinh ngạc vừa vô cùng cảm kích sự giúp đỡ của người thanh niên. Trong lòng anh ta bất giác hối hận vì đã vội có ý trách bà lão”.

Thông qua câu chuyện này, bạn hiểu được điều gì?
Đừng vội vàng yêu cầu cuộc sống phải cho bạn tất cả đáp án, đôi khi bạn cần phải kiên nhẫn mà chờ đợi. Cho dù bạn đứng trước thung lũng mà hét lớn thì cũng cần phải chờ đợi một lúc mới lại nghe được hồi âm kéo dài đó.

Cũng có nghĩa là, cuộc sống luôn luôn cho bạn câu trả lời, nhưng không lập tức đem tất cả nói cho bạn biết. Trong cuộc sống, bạn vốn nên cho đi đừng mong nhận lại; cho đi để cảm thấy tâm mình bao dung rộng lượng; không mong nhận lại để cảm thấy tâm nhẹ nhàng không gánh nặng, không tức giận nếu không được như ý muốn. Sự cho đi không mong nhận lại luôn làm tâm bạn thoải mái nhất, nhẹ nhàng nhất và hạnh phúc nhất.

Tuy vậy quy luật của cuộc sống vẫn là cho đi luôn có hồi báo. Hồi báo không xuất hiện ngay sau khi bạn cho đi, nhưng trong khoảnh khắc bạn không ngờ đến, một khoảnh khắc thích hợp nhất, một khoảnh khắc mà bạn cần nhất thì hồi báo sẽ xuất hiện, đó chính là vẻ đẹp của cuộc sống mà có lẽ bạn chưa để ý tới.
Có những thời điểm, bạn cảm giác như mọi thứ đều chống lại mình, tưởng rằng mình không chịu đựng hơn được nữa, những lúc ấy hãy nhớ điều này.

Khi đối đãi với bản thân, chúng ta nhất định phải trân quý và đối xử thật tốt, bởi vì đời người không dài và thân người là khó được nhất.
Khi đối đãi với người khác, chúng ta càng cần phải trân quý và đối xử tốt hơn nữa, bởi vì nhân duyên kiếp này, kiếp sau khó gặp lại.
Trong lúc lơ đãng tình cờ gặp nhau có thể để lại cho ta nhiều điều, chỉ một lần tình cờ gặp gỡ đơn giản rồi bỏ qua cũng có thể để lại những ký ức không phai nhạt mãi trong lòng.

Hai người yêu thương nhau nhưng không thể ở gần nhau thì sẽ không thể đi cùng nhau. Đời người tưởng dài nhưng kỳ thực lại quá ngắn ngủi! Hãy quý trọng mỗi lần gặp mặt.
Tình yêu thương có thể khiến con người quên đi thời gian nhưng thời gian cũng có thể khiến con người quên mất tình yêu thương.

Kiên Định
dkn.tv

Monday, January 29, 2018

Today's Jokes




Xuân Mậu Tuất Nhớ Trường Xưa - Trầm Vân

Nước Mận Khô Và Chứng Táo Bón - Phương Hoa


Nhân đọc bài viết “Của Đi Thay Người” của tác giả Phạm Hoàng Chương, kể chuyện nhân vật ăn mít bị tắc ruột, tôi nhớ lại có một lần tôi cũng “ngốn” một loại trái cây rồi bị chứng tắc ruột “hỏi thăm” sắp sửa cần đến xe cấp cứu, nhưng chỉ nhờ một thức uống đơn giản mà tôi đã thoát nạn một cách thần kỳ. Đặc biệt, loại nước mận này còn tốt hơn cả thuốc nhuận trường, vì nó vừa “xổ” lại vừa “bổ!” Trong mười mấy năm qua nó đã giúp cho tôi và gia đình, làm cho chứng táo bón “không có cửa” để hoành hành. Xin viết ra đây để chia xẻ với những ai thường bị “chặc dạ.”

Trước khi đi vào câu chuyện chai nước mận, tôi xin “tản mạn” đôi chút về chứng táo bón mà có lẽ trong đời bạn cũng đã từng một vài lần bị nó “viếng thăm.” Theo tài liệu của viện sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ, National Institutes of Health (NIH), táo bón là cái chứng (symptom) chứ không phải bệnh (disease) nhưng lại là một trong những triệu chứng thuộc về dạ dày và ruột được phàn nàn nhiều nhất trên xứ Cờ Hoa. Hàng năm, có hơn bốn triệu người Mỹ thường xuyên bị táo bón, gây nên khoản gần ba triệu cuộc viếng thăm bác sĩ, và có khoản trên bảy trăm triệu Mỹ Kim được dùng để mua thuốc nhuận trường. Tuy nhiên, ngọai trừ những trường hợp bệnh đặc biệt về đường ruột hay bệnh nhân tiểu đường, theo NIH, chứng táo bón thường là tạm thời chứ không nghiêm trọng.

Cũng theo NIH, một số trong những nguyên nhân thông thường nhất dẫn đến việc táo bón là do ăn uống không đủ chất sợi (fiber), ít hoạt động, thiếu nước, bị căng thẳng, hoặc là phải đối diện với sự đổi thay khắc nghiệt trong cuộc sống. Có lẽ đây là trường hợp của tôi.

Khi tôi đến Mỹ thì chứng táo bón đã theo tôi dễ cũng đến mười mấy năm rồi. Chứng táo bón này bắt đầu hành hạ tôi từ ngày gia đình tôi rời bỏ miền thùy dương cát trắng Nha Trang và dọn đến một vùng rừng núi để bắt đầu cuộc sống rẫy rừng.

Ở vùng kinh tế mới, mỗi ngày tôi bỏ ba đứa con thơ dại ở nhà chơi với nhau (khi đó ai cũng làm vậy cả, giờ nghĩ lại giật mình!) xách giỏ cơm khoai độn kèm gói muối ớt, vai mang gùi theo nhà tôi lên rừng chặt cây, phát rẫy, cuốc đất, trỉa bắp, trồng khoai. Chiều về, vợ nặng quằn vai gùi củi mục và rau rừng, chồng ì ạch với khúc gỗ to hay mấy gốc cây được đào bới lên từ nương rẫy. Đầu tắt mặt tối, cơm độn mà vẫn không đủ cho con ăn. Trăm nỗi lo âu, ngàn điều sầu não, ngủ không đủ giấc, ăn không đủ chất, bảo làm sao mà không…táo bón?

Nhưng thời buổi ấy có khối việc để lo, ai quan tâm đến “nghiệp vụ” của cái ruột già ruột non mà làm gì, hôm nay không đi được thì hôm sau, ngày này nó không ra thì ngày khác nó cũng phải chui ra thôi. Bỡi thế cho nên khi chứng táo bón nó đến viếng thì nó lại…làm biếng ra đi. Những người xung quanh tôi cũng cùng chung tình trạng. Một lần, ông cụ hàng xóm người xứ Quảng đã dùng bã mía “cạy” dùm cho thằng cháu nội vì nó “rặn” mãi mà không ra. Đau quá thằng bé khóc la inh ỏi. Thấy tôi nhìn, cụ nói, “Hắn có ăn cái chất chi mô mà ị hả cô, toàn là mắm với muối không thôi!”

Tội nghiệp ông cụ, người con trai đại úy Biệt Động Quân đã bị đi “học tập” mút mùa nên cụ phải phụ

với con dâu lo cho thằng cháu sau khi đi rẫy về. Cô dâu xinh đẹp của cụ người miền Nam, ngày xưa khi còn là vợ sĩ quan thường lên xe xuống kiệu, cơm nhà hàng, ngủ khách sạn, nhưng “gặp thời thế” chị cũng hăng hái thưởng thức những món “đặc sản” do người cha chồng chế biến để nuốt cho trôi cơm. Quanh năm suốt tháng, hễ ăn hết khạp chuối cây muối cụ lại làm một khạp cây đu đủ muối, món nào của cụ cũng mặn đến quắn cả lưỡi.

Lần đầu tiên khi cụ giới thiệu cái món ruột cây đu đủ thái mỏng muối chua, tôi ngạc nhiên quá đỗi. Trước 75, cây chuối và cây đu đủ thường được bà tôi dùng nấu cho heo. Thực ra những món này cũng chỉ để lừa cái khẩu vị đã từng quen ăn sung mặc sướng trước kia, chứ bổ khỏe gì. Cứ mãi hết muối đến dưa cộng với sự căng thẳng, chạy đua với cuộc sống cơ cực nên mọi người hè nhau mà “bí.”

Tôi chịu đựng cái chứng táo bón này mãi cho đến ngày tôi rời quê hương đi định cư ở Mỹ. Khi mới đến, cái đất nước rất quí trọng mạng sống con người này đã cho tôi được chọn một bác sĩ gia đình, cho tôi làm xét nghiệm từ A tới Z để xem tình hình sức khỏe của tôi. Bác sĩ đã bắt tôi uống thuốc đến sáu tháng trời vì cái “tội” thử da bị đỏ. Nhưng cái chứng táo bón cố hữu thì dầu cho bác sĩ thay đổi đủ lọai thuốc nhuận trường, chúng chỉ “quớt” được mấy lần đầu, rồi sau lại “vũ như cẩn.”

Cuối cùng bác sĩ cho đi soi ruột, tôi nhịn đói đến nỗi ngất xỉu phải gọi “Ambulance” nhưng rồi khi soi ruột cũng không tìm được gì. Bác sĩ bèn khuyên tôi nên thay đổi thức ăn. Từ đó, thực đơn chính của tôi nào là gạo lức muối mè, đu đủ chín, các loại rau, trái cây, và ăn ít thịt. Vậy mà cái ruột già của tôi nó vẫn “lì” ra đó, có khi nó làm việc có khi không. Có lẽ nó đã bị cái lũ mắm muối “đeo bám” kỹ rồi nên khó mà thay đổi! Dù bác sĩ nói chẳng nghiêm trọng gì, nhưng chứng táo bón đã làm cho tôi rất khó ngủ và khó chịu, bụng dạ lúc nào cũng cảm thấy anh ách, mặt mày nhiều lúc “quạu đeo.”

Cho đến khi tôi gặp bà Rosie. Bà khách già người Mỹ này từng làm việc trong ngành y khi còn trẻ. Một lần tán chuyện nghe tôi bị chứng táo bón kinh niên, bà liền đem đến cho tôi một chai nước trái mận khô gọi là “Prune Juice.” Bà bảo tôi cứ vài ngày thì uống một lần vào buổi sáng sớm khi bụng đói, uống chung với sữa, sẽ giúp ích cho việc nhuận trường.

Mới đầu, tuy tôi cám ơn Rosie về sự quan tâm của bà, tôi cũng không tin lắm vào sự hiệu quả của loại thức uống này. Tôi nghĩ, thuốc nhuận trường đủ loại, rau quả các thứ còn chưa “trông ăn” huống chi cái thức uống ngọt lịm đầy “nguy hiểm” này. Tôi đã từng tiếp xúc với nhiều người khách Mỹ bị bệnh tiểu đường nên tôi thường “kỳ thị” chất ngọt, chẳng thiết tha gì mấy với các loại thức uống và bánh kẹo của người Mỹ vì có chứa quá nhiều đường. Nhưng thật không ngờ thứ nước uống này lại có hiệu quả tuyệt vời. Nó đã đuổi được chứng táo bón của tôi chạy…“mất dép!” Lần đầu tiên trong mười mấy năm, tôi hiểu thế nào là cái cảm giác “sạch ruột nhẹ lòng” như mấy ông thầy thuốc bắc thường nói.

Tôi bắt đầu làm “người quảng cáo thầm lặng” không công cho hảng “SunSweet.” Tất cả người trong gia đình, người quen, bạn bè, và cả khách hàng của tôi đều được tôi giới thiệu loại thức uống này và ai cũng hài lòng với kết quả nhuận trường của nó. Vì dùng thường xuyên nên tôi cũng sợ, chẳng biết nó có tác hại phụ nào không. Nhưng hầu hết các bác sĩ của gia đình tôi đều nói là Prune Juice dùng cho táo bón rất tốt và không có hại vì tuy nó ngọt nhưng đó là chất ngọt của chính trái “plum” chứ không có đường.

Về sau tôi tìm ra quả là đúng như thế. Trên trang web nhà của hảng “SunSweet” họ khẳng định trong quá trình chế biến nước Prune Juice, họ không dùng hóa chất như chất bảo quản chống hư hoặc là bỏ thêm đường, mà tất cả thành phần, “ingredient,” chỉ có độc nhất trái mận khô (prune).

Tôi cũng tìm thấy thông tin từ hội đồng California Dried Plum Board (CDPB) đại diện cho hơn 900 nhà trồng mận của tiểu bang California cho biết, kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy chất fiber rất cao trong trái mận khô sẽ giúp hấp thụ nước làm cho trơn ruột già, phân sẽ mềm ra dễ đi cầu, giúp hạ thấp mức cholesterol trong máu, và rất nhiều các hợp chất vimtamins như B6, chất khoáng minerals, carbohydrates…có thể giúp làm giảm đi sự nguy hiểm của các chứng về tim mạch, hạ thấp chứng cao huyết áp, và giúp điều chỉnh mức đường trong máu (theo CDPB).

Biết được những thông tin này, tôi cũng an tâm khi liên tục dùng nước trái mận. Tủ lạnh nhà tôi lúc nào cũng có sẵn một chai Prune Juice, và nếu phải đi xa, tôi luôn mang theo một chai để phòng hờ nơi tôi đến không có bán. Ngay cả khi đi du lịch Hawaii tôi cũng nhét trong hành lý vài chai.

Nhưng có một lần tôi đi “gần,” đi ăn mừng tân gia của vợ chồng thằng con út, nên không mang theo chai nước mận thì tôi lại gặp chuyện. Tụi nhỏ may mắn mua được căn nhà khá đẹp, địa thế tốt ở thành phố Freemont, Bắc Cali, mà còn mua với một cái giá “phải chăng,” bù lỗ lại cho cái nhà thứ nhất mua trong thời điểm “bong bóng phập phồng,” nên vợ chồng tôi rất mừng, bèn “khăn gói quả mướp” đến chung vui với con. Hôm sau xong tiệc, ông nhà tôi trở về đi làm còn tôi ở thêm một buổi để giúp trang trí bộ rèm cửa rồi sẽ về sau vì vợ chồng tụi nó phải đi làm.

Sáng hôm đó, tôi ở nhà một mình, loay hoay với bộ rèm cửa cả tiếng đồng hồ nhưng vẫn chưa đâu vào đâu, thình lình tôi cảm thấy bụng đau quặn thắc. Tưởng là đến lúc phải “xả xui” tôi chạy vội vào nhà vệ sinh. Nhưng dù đau đến toát mồ hôi, tôi vẫn chẳng đi được chút nào, một tí “hơi” cũng không có. Tôi uống vào một ly nước lọc thì nó lại ào ạt “ọc” ra ngay. Bụng căng cứng, hơi bị ứ bên trong từ bao tử dồn lên chèn ép trái tim, làm tôi tức ngực đến không thở được.

Khó đứng khôn ngồi, tôi há miệng thở như con cá ngáp mới vừa được gỡ khỏi lưỡi câu. Tôi dùng tay vừa xoa cái bụng căng tròn, vừa nghĩ xem ngày trước đã ăn những gì. Thức ăn cho bữa tiệc chỉ là những món thông thường như bánh hỏi thịt quay, chả giò, gỏi cuốn, và súp măng cua…, con dâu tôi nó đặt mua từ một nhà hàng Việt Nam ở San Jose. Tôi không ăn thịt heo nên chỉ ăn một ít bánh hỏi với xì dầu và một chén xúp thì đâu đến nỗi bị ngộ độc.

Tôi bỗng nhớ lại buổi sáng sớm trước khi đi ăn tân gia, tôi có đi bộ với cô bạn Jilly. Thường thì mấy ngày weekend chúng tôi đều tranh thủ đi bộ một giờ vào buổi chiều. Hôm ấy vì phải đi cả ngày Chúa Nhật nên tôi rủ Jilly đi buổi sáng để tôi không bị gián đọan. Khi đi ngan qua một cây hồng dòn bên lề đường Low Saramento sum suê những trái mà trái nào cũng chín vàng ươm, Jilly dừng lại hái một trái, chùi vào áo rồi đưa lên miệng cắn nhai rào rào luôn cả vỏ. Từ trước đến nay tôi chưa ăn hồng luôn vỏ như thế bao giờ. Nhưng thấy Jilly ăn một cách ngon lành, tôi nghĩ ăn vỏ chắc là “good fiber,” có nhiều chất sợi, nên tôi cũng bắt chước. Tôi rứt một trái chín “bự chảng” cắn thử và thấy rất ngọt nên tôi đã ngon trớn tới luôn, ăn hết sạch. Đúng là “tham thực cực thân,” có lẽ là tại trái hồng to đùng đó.


Tôi vào tủ thuốc gia đình của tụi nó lục lấy một viên tiêu thực “Maalox” rồi nhai như tôi vẫn thường làm mỗi khi ăn khó tiêu hay bị đầy hơi, hy vọng sẽ ợ được hơi ra cho nhẹ bụng. Lát sau, tôi nhai thêm một viên nữa.

Hai viên tiêu thực tôi nhai đã được một lúc mà vẫn chả nghe ngóng gì, cơn đau bụng càng lúc càng tăng vì ợ không được, xả hơi không được, mà đi cầu cũng không được, tất cả các ngả “thông hơi” đều bị bế hết rồi. Phải gọi 911 thôi!

Nhưng rồi tôi nghĩ đến bao nhiêu phiền phức sẽ kèm theo sau đó, phải gọi thằng con về trong giờ làm việc, nó đã cho biết trong hảng có việc gấp nên dù rất muốn xin nghỉ hôm đó để dọn dẹp nhà cửa mà nó vẫn phải đi làm, con dâu thì làm việc ở xa, rồi sợ sẽ nằm viện lâu bỏ shop không ai làm, phải trả “deductible” cho bảo hiểm… thôi thì ráng đợi thêm chút nữa.

Tôi sực nhớ đến chai nước Prune. Phải chi tôi có mang nó theo thì sẽ uống một ly, may ra nó giúp cho thông cái ruột. Vội vàng khóa cửa, tôi ôm bụng lê từng bước đến tiệm FoodMaxx gần nhà. Nhiều lúc đau quá tôi phải ngồi xuống bên lề để thở, đợi cho dịu xuống rồi đứng dậy đi tiếp. Tiệm chỉ cách nhà con tôi hơn ba block đường, mà tôi cảm thấy đi lâu như cả hàng… thế kỷ. Đến nơi, tôi vào ngay dãy thức uống và tìm thấy chai nước mận quen thuộc. Không thể chờ được nữa, tôi ngồi bệt xuống sàn, run rẩy lắc mạnh cái chai cho đều, rồi vặn nắp ra và đưa lên miệng nốc một hơi dài đến “quên thở,” mặc kệ những khách hàng xung quanh đang tròn mắt nhìn tôi.

Sau đó tôi đem chai nước ra quầy tính tiền, xin lỗi họ vì không thể chờ nên tôi đã uống trước. Cô thâu ngân cũng vui vẻ nói, “Không sao, bà trả tiền đàng hoàng mà.”

Tôi mang chai nước uống dở lệt bệt ra về. Đi đến gần nhà, tôi bỗng nghe trong ruột sôi lên cuồn cuộn. Rồi tôi có cảm giác như là đã xả chút hơi và bất thình lình ợ được một cái rột.

Và tôi bỗng thấy nhẹ cả người, không còn đau tức nữa. Về nhà, tôi vội vàng chạy ngay vào toa lét. Chiều hôm đó, tôi đường hoàng lái xe ra về và ngày hôm sau đi làm tỉnh bơ. Từ đó, mỗi khi cảm thấy trong bụng đầy hơi, tôi uống nước Prune thay vì dùng viên tiêu thực Maalox.

Chưa hết, ngoài việc giúp nhuận trường, trái mận khô (prune) còn được cho là giúp tái tạo xương một cách tự nhiên và rất đắc lực. Theo kết quả nghiên cứu năm 2012 của giáo sư tiến sĩ Bahram Arjmandi, chủ tịch khoa dinh dưỡng “Nutrition, Food, and Exercise Sciences” tại đại học Florida State University (FSU), thì ăn từ sáu đến mười trái mận khô mỗi ngày, chẳng những có thể giúp ngăn ngừa chứng loãng xương, giúp tái tạo xương cho phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh, mà nó còn giúp bảo vệ xương cho cánh đàn ông, vì từ 65 tuổi trở lên, các ông cũng bị hao hụt mất xương nhanh chóng không thua gì các bà. Từ kết quả nghiên cứu của ông, tiến sĩ Bahram cho rằng trái mận khô là một loại trái cây “miracle,” kỳ diệu, có thể giúp cơ thể người ta chiến đấu chống lại các chứng bệnh về xương (theo FSU).

Đến đây thì tôi nghĩ, không biết có phải bà Rosie cũng nhờ loại mận khô này mà bà rất khỏe và rắn chắc hay chăng. Bà đã qua tuổi chín mươi, nhưng vẫn đi đứng hiên ngang, nói cười rổn rảng, lái xe chạy ào ào, chứ không phải nói bằng giọng hụt hơi thì thào, còng lưng mỏi gối như phần đông những người cao tuổi. Có lần tôi hỏi thăm bí quyết sống của bà. Rosie cho biết bà thường ăn sáng bằng cheerios với trái mận khô trộn sữa hoặc nho khô, đi bộ mỗi ngày một giờ, thỉnh thoảng “rửa ruột” bằng nước mận, và tối nào bà cũng lột ăn nửa trái chanh cùng với một ly whisky rồi “night night,” tự chúc mình ngủ ngon, và lên giường rất sớm. Bà ngủ đến mười tiếng đồng hồ mỗi đêm. Thật là ngưỡng mộ, vì tôi còn trẻ hơn bà, được sinh ra sau bà gần bốn thập niên mà họa hoằn lắm tôi mới ngủ được một đêm tám tiếng. Khi tôi dọn đi khỏi thành phố thì bà đã bước qua tuổi chín mươi lăm.

Đó là chuyện về nước và trái mận khô. Về chứng táo bón, viện sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ đã có lời khuyên, “phòng bệnh hơn là chữa bệnh,” chứng táo bón không có gì nguy hiểm, nếu biết cách điều chỉnh cuộc sống, thay đổi thức ăn, cộng với thể thao thể dục thường xuyên, người ta sẽ tránh được nó. (Chứ để chứng táo bón “bám rễ” như trường hợp của tôi thì khổ lắm!) Phòng được bệnh chẳng những giúp cho chính bản thân và gia đình, mà còn giúp giảm đi chi phí “Medical” cho nước Mỹ.

Tính sơ sơ nội cái chỉ cần giảm được chứng táo bón không thôi, mỗi năm đất nước Hoa Kỳ cũng sẽ tiết kiệm được hàng bảy tám trăm triệu Mỹ Kim.

Nhưng quan trọng hơn hết, sống khỏe thì mới sống vui, sống hạnh phúc yêu đời. Chứ cái mặt cứ “nhăn nhăn như thằng táo bón” thì yêu đời sao nổi.

Tips cho chai nước Prune Juice:

Ở các tiệm thực phẩm có bán rất nhiều loại chai nước “Prune Juice.” Nếu bạn đã từng biết đến và thử qua loại nước mận này nhưng không có hiệu quả, thì có lẽ bạn đã mua không đúng loại rồi, vì trong thực tế chỉ có một loại nước Prune dùng tốt nhất cho táo bón. Nếu bạn muốn thử, hãy mua đúng loại chai có nắp màu cam và có chữ “WITH PULP” (có xác) y như hình trên thì mới hiệu quả.

Dùng cho táo bón: Buổi sáng lúc mới ngủ dậy bụng đói, uống trước một ly nước lọc. Sau đó trộn nửa ly sữa chung với nửa ly nước Prune Juice rồi uống hết một lần. Có thể uống thêm nước lọc lai rai cho đến khi đi vệ sinh. Bảo đảm ruột của bạn sẽ được rửa sạch, “không đẹp không ăn tiền!”

Loại nước chai có nắp màu cam này hơi khó tìm vì lúc nào cũng được bán hết sớm hơn các lọai có nắp màu khác và giá cao hơn nhiều. Bạn có thể lên trang nhà của hảng này để mua, giá rẻ hơn một nửa giá bán lẻ của các tiệm thực phẩm: $2.35 so với $5.99/chai, hoặc nếu có “on sale” thì ít nhất cũng phải trên $4.00. Nếu ở không xa, bạn cũng có thể đến tận địa chỉ nhà máy mà mua, họ có phòng bán lẻ tại đó để giới thiệu mặt hàng. Nếu mua nhiều, họ gửi UPS cước phí cũng nhẹ:


Phương Hoa

Tài liệu tham khảo:

Cho Con - Đỗ Công Luận

Hai Mươi Cách Tích Đức Cải Tạo Vận Mệnh - Youtube Marian Tran

Bài Học Cuộc Sống: Vòng Tròn Nhân Quả


Nhân và quả nối tiếp nhau quay tròn, ác ắt sinh ác, thiện ắt sinh thiện. Ở một vương quốc nọ có một vị vua độc ác và bất công đến nỗi tất cả mọi người đều cầu mong cho ông ấy chết đi hoặc bị truất ngôi. Nhưng, bỗng một ngày, vị vua ấy khiến tất cả mọi người đều ngạc nhiên khi thông báo ông ấy sẽ thay đổi. "Sẽ không còn bạo lực, không còn bất công nữa", vị vua hứa, và ông đã giữ đúng lời hứa của mình. Khắp nơi đều ca ngợi ông là một vị vua hiền hòa và công tâm. 

Một hôm, vị đại thần thân cận nhất của nhà vua lấy hết can đảm, hỏi cái gì có thể làm thay đổi trái tim tàn bạo của ngài. Vị vua trả lời: "Khi ta đang phi nước đại trong cánh rừng, ta nhìn thấy một con cáo đang bị truy đuổi bởi một con chó săn. Con cáo may mắn trốn thoát trong hố của mình, nhưng nó đã bị cắn vào chân và có lẽ sẽ bị tàn tật cả đời. Sau đó, ta đến một ngôi làng và lại gặp con chó săn ấy. Nó đang gầm gừ với một người đàn ông. Nhanh như cắt, người đàn ông nhặt một hòn đá to và ném vào chân con chó, khiến chân nó bị gẫy. Anh ta bỏ đi, vừa đi được một đoạn không xa thì bị một con ngựa đá hậu vào người. Anh ta lăn mấy vòng, đập đầu gối xuống đất và vỡ đầu gối. Chắc chắn anh ta sẽ tàn tật cả đời! Nhưng chưa dừng lại ở đó, con ngựa sau khi gây thương tích cho anh chàng kia, đã phi nước đại chạy mất. Bỗng nó bị sa chân vào một cái hố gần đó và gãy chân.

Sâu chuỗi tất cả những gì ta nhìn thấy, ta nhận ra một điều rằng: Ác sẽ đem lại ác, nếu ta tiếp tục sống cuộc đời tàn bạo, chẳng sớm thì muộn ta cũng bị chết bởi cái ác." 

Vị quan đó ra về, vui mừng nghĩ thời cơ để lật đổ ngai vàng đã đến. Vừa đi vừa mải mê suy nghĩ, ông không để ý đến bậc cầu thang trước mặt, trượt chân, ngã gãy cổ. 

Cuộc sống là những chuỗi nhân-quả, trong nhân có quả, trong quả có nhân; nhân nào quả nấy... "Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác" - câu răn dạy của ông cha từ nghìn năm nay chưa bao giờ hết giá trị. Chỉ có điều thời gian tiến triển từ nhân thành quả có khi nhanh khi chậm. Có cái nhân từ đời này, đến đời sau mới thành quả... Vậy nên, đừng vội mừng khi làm điều ác mà chưa thấy "báo"; chỉ là chưa đến ngày thành "quả". Sống ở đời, cốt ở chữ "hiền"! 

Linh Hoa (Dịch từ Moral Stories)

Sunday, January 28, 2018

Vọng Tiếng Diên Hồng -Trầm Vân

Người Việt Đang Từ Bỏ Quê Hương - Nguyệt Quỳnh


Cứ mỗi năm cuộc tranh giành quyền lực ở cấp lãnh đạo thượng tầng lại lập đi lập lại, và càng ngày mức độ càng gay gắt. Tôi tự hỏi không biết các vị lãnh đạo có từng bao giờ quan tâm để nhận biết ra rằng từ lâu nhiều người dân Việt Nam đã thầm lặng bỏ nước ra đi!
Điều đáng giật mình là - ngày nay người ta rời bỏ quê hương mình không một chút vấn vương luyến tiếc. Quê hương là nơi chốn thiêng liêng, nơi thân thuộc, nơi có cha mẹ, anh em, bằng hữu, có cả một trời thơ ấu; nhưng vì sao người VN lại tìm mọi cách để rời bỏ đất nước mình?

Bốn mươi năm trước, người ta buộc phải dứt áo ra đi, buồn thắt ruột khi phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn. Thi sĩ Luân Hoán có bốn câu thơ nhớ quê đến nao lòng:

Trông ra cửa kính trời mưa tuyết
Ngó lại mình đang ngồi bó tay
Quê hương nhắm mắt như sờ được
Sao vẫn buồn xo đến thế này?

Nếu như ngày xưa, người Việt tị nạn lìa xa quê, nhớ từng chiếc lá me, từng cành phượng vĩ, thương từng viên ngói vỡ, bóng con chim se sẻ trước hiên nhà; thì ngày nay, người giàu cũng như nghèo, ngay cả con cái các quan chức nằm trong bộ máy chính quyền cũng tìm mọi cách để rời bỏ đất nước, ra đi không cần ngoái đầu nhìn lại.
Trong cuộc họp tại văn phòng Quốc hội ngày 29 tháng 12 vừa qua, bàn về tình trạng các du học sinh cấp phổ thông trung học và đại học sau khi tốt nghiệp không trở về; Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng đã nhìn nhận với các đại biểu Quốc hội rằng: "Tôi nghĩ con em nhiều người ngồi ở đây cũng không về. Cá nhân gia đình tôi cũng vậy, 2 đứa không về.”

Vì đâu có tình trạng này? Chiến tranh, nghèo đói cũng không làm người ta rời bỏ quê hương mình. Chỉ mới ngày nào, khi cuộc chiến biên giới bùng nổ vào năm 1979, hàng hàng lớp lớp thanh niên ưu tú sẵn sàng viết đơn bằng máu để xin ra chiến trường. Dù khó khăn, gian khổ người ta vẫn gắn bó, vẫn hãnh diện về dân tộc mình. Tôi nhớ có lần đọc được trong facebook của một em sinh viên: “Tôi tự hào vì mỗi tên đất, tên đường ở xứ tôi đều viết bằng tên người chứ không phải đánh số. Nhưng chỉ vài tuần trước đây, một bài viết trên trang mạng BBC viết rằng - tác giả muốn rời bỏ VN để con cái mình khi lớn lên được sống làm người tử tế.

Tôi có dịp gặp một số thanh niên Việt Nam ở Philippines. Họ trẻ, tốt lành và trong sáng, nhưng họ quay lưng hẳn và không muốn nhắc đến tình hình xã hội, chính trị tại đất nước mình. Sự gian dối, giả trá khắp nơi đã làm các em chán nản. Một em chia sẻ với tôi là hầu hết các bạn của em đều cảm thấy bất lực và muốn tìm cách rời khỏi Việt Nam.

Tôi gặp em H, một thiếu nữ sống một mình ở đất nước xa lạ này. Em sống và chống trả với những bất trắc, bão tố do tình trạng cư trú bất hợp pháp của mình. Gã chủ nhà muốn xâm hại em, thản nhiên cầm điện thoại và hăm dọa nếu em không thuận hắn sẽ báo cảnh sát. Rất may, H là một thiếu nữ thông minh và mạnh mẽ, em đã vượt thoát được. Cha mẹ ở miền quê làm sao biết được em đã phải chống chọi với những gì. Những thiếu nữ yếu đuối, không may mắn khác sẽ hành xử ra sao? Và định mệnh sẽ đưa đẩy các em về đâu?

Tôi cũng gặp một trường hợp khác, một phụ nữ miền biển, nghèo khó, vô danh nhưng chị đã làm tôi xúc động đến ngẩn ngơ.
Nếu bạn đang đi du lịch phượt trên đất Thái. Dừng chân uống một cốc nước dừa trên hè phố hay tại một quán ăn nào đó. Lúc bạn đang cố bập bẹ nói một ít tiếng Thái với người đang phục vụ, thì nhớ rằng người đang nói chuyện với bạn bằng tiếng địa phương đó có thể là một người Việt Nam. Bên dưới nụ cười xã giao và ánh mắt lẩn tránh đó, ẩn chứa cả một mối ân tình thắm thiết của người đồng hương.

Tôi gặp chị L, người phụ nữ gầy ốm da ngăm đen đứng bán một xe nước dừa bên hè phố. Ban đầu có lẽ nghe chúng tôi nói tiếng Việt, không nhịn được, chị cất tiếng hỏi tôi có phải người Việt Nam không. Thấy người đồng hương tôi vồn vã hỏi thăm, nhưng thấy thái độ chị lẩn tránh và đáp lại bằng tiếng Thái tôi đoán có lẽ chị đang có vấn đề về di trú. Bốn mươi năm trước, tôi đã gặp một người mẹ cắt ruột đẩy đứa con 6 tuổi của mình ra biển để mong nó tìm được tương lai. Ngày nay, tôi gặp người mẹ khác, cũng thắt ruột bỏ lại đứa con gái năm tuổi của mình cho bà ngoại để đi kiếm sống ở nước ngoài, đi “tha hương cầu thực”.

Khi đã tin cậy, chị níu chặt lấy cánh tay tôi luôn miệng nói chuyện, quên cả bán hàng. Được một lúc chị móc trong túi áo ra 25 baht tôi vừa trả tiền nước, đưa lại. Chị ngượng ngùng bảo tình cảm mà lấy tiền tối về không ngủ được. Tôi xúc động vì sự tốt lành, vì cái ân tình chị dành cho tôi, một người xa lạ. Bấy nhiêu thôi cũng đủ thấu hiểu tấm lòng tha thiết của chị đối với người Việt, đối với quê hương như thế nào. Vậy mà có đến mấy lần chị nói với tôi là chị không muốn trở về VN nữa. Xin ghi lại một đoạn đối thoại của tôi với người phụ nữ này để hiểu vì sao chị không muốn trở về. Tôi cố tình hỏi tiếp:
-          Nhưng khi để dành đủ tiền rồi chị về quê mình chứ?
-          Thôi không về đâu.
-          Tại sao lại không về?
-         Ở đây người Thái họ hiền lắm, họ thương mình. Mình đẩy xe đi bán từ 7 giờ sáng đến 12 giờ đêm mới về được đến nhà. Đi ban đêm cũng không sợ… Ở đây từ những người thấp nhất trong xã hội như xe ôm hay cảnh sát họ đều giúp đỡ mình hết mình.
-          Nhưng mai mốt chị về thăm con, người khác dành mất chỗ bán của chị thì sao?
-          Không sao đâu, không có mình thì họ bán, khi họ thấy mình đẩy xe tới, họ tự động đẩy xe đi chỗ khác.
-          …
Những dự thảo văn kiện đại hội đảng có bao giờ đặt ra vấn đề vì lẽ gì mà người dân nghèo, lương thiện lại không cảm thấy an toàn ở quê hương mình? Những người như chị bán nước dừa, hay cháu H đâu cần biết gì đến dân chủ hay nhân quyền? Họ cũng không cần biết ngày mai ông Nguyễn Phú Trọng hay ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ trở thành Tổng Bí Thư. Họ chỉ cần một môi trường sống ổn định, an lành. Nơi hàng ngày không phải nơm nớp lo sợ gặp cảnh sát giao thông hay quân cướp giật. Nơi họ kiếm được miếng ăn hàng ngày và không phải im lặng trước những điều tai ác.

Đến bao giờ người dân mình khi “Rời Bỏ” quê hương đều ôm giấc mơ sẽ “Trở Về” để sớt chia những gian nan và dựng xây lại đất nước?
Tôi biết những người như vậy, những người đã ra đi, nhưng lại chọn trở về như Trần Văn Bá, Võ Đại Tôn, Hoàng Cơ Minh, Võ Hoàng, Ngô Chí Dũng…Chúng ta cũng biết những người đang nỗ lực thay đổi xã hội, những người gắn bó với tổ quốc, người muốn dân mình, đồng bào mình được có đời sống đích thực cần có của một con người. Họ là Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Hồ Đức Hoà, Đặng xuân Diệu, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Nguyễn Văn Oai, Bùi Minh Hằng, Nguyễn Đình Cương, Võ An Đôn…Tiếc rằng những nỗ lực của họ chỉ đổi lấy tù tội, bất trắc và gian nan.

Tôi tự hỏi những người như Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, các vị đại biểu quốc hội, những đảng viên “chân chính”… họ nghĩ gì? Họ phục vụ cho ai? Một chính quyền dù có theo đuổi mục đích, lý tưởng cao đẹp gì đi chăng nữa thì cũng chẳng có ý nghĩa gì khi mà con em họ, khi mà mọi người dân, từ trí thức cho đến chị bán nước dừa cũng đều muốn ra đi.

Tôi cho rằng các vị lãnh đạo, những người liên hệ trong chính quyền, hay trong trận đấu đá tranh giành quyền lực năm 2016 - từ anh công an quèn quen bóp cổ dân, đến các nhân sự tứ-trụ-triều-đình tương lai cần có câu trả lời chính đáng cho chính mình và cho những người dân hiền lành, chất phác đang phải sống lưu vong khắp nơi.

Nguyệt Quỳnh
rfa.org/vietnamese/

Phúc Dầy Ơn Quả - Đỗ Công Luận

Phúc Đức Tại Mẫu - Đinh Thủy


Ngày còn bé con cứ thắc mắc, tại sao trên đất nước này cái gì cũng mang dấu ấn sự tôn vinh người Mẹ. Dòng sông lớn nhất ở phía Bắc đất nước ta quen gọi sông Hồng cũng còn có tên khác là sông Cái. Con đường nào lớn gọi là “đường cái.” Thứ tiếng ta nói hàng ngày cũng gọi là tiếng “Mẹ đẻ.”

Tổ Quốc thiêng liêng cũng được gọi với giọng tha thiết là “đất Mẹ.” Trên dải đất nhỏ hẹp mang hình chữ S ấy đâu đâu cũng có những đền thờ Mẫu. Bài học đầu tiên con trẻ được học cũng là từ trường mẫu giáo và do các cô bảo mẫu truyền dạy. Đến cái đũa lớn nhất để xới cơm ở quê mình cũng gọi là “đũa cái,” “đũa cả.”

NHỚ LỜI MẸ DẶN: Mẹ không được học chữ, vậy mà khi con học xa nhà, có một lần mẹ đã cố gắng viết cho con mấy dòng ngắn ngủi, nét chữ run rẩy và to như trẻ con học mẫu giáo tập viết. Mẹ viết: “Mẹ ít học hơn con nên mẹ tin con hiểu đời nhiều hơn mẹ. Mẹ chỉ muốn dặn con một điều rằng con đi xa hãy nhớ: Ăn một miếng của người con tạc ân vào dạ; Học một chữ ở đời con xem nặng nhẹ bao nhiêu.”
Lời dặn của mẹ đã làm con khóc. Và con tâm niệm điều đó suốt cả cuộc đời và nó đã trở thành lẽ sống của con.

Hôm con phỏng vấn xin việc vào công ty của Nhật cùng với ba chục người khác. Con không giỏi vi tính và ngoại ngữ như họ, song người được lựa chọn lại là con. Mẹ có biết họ hỏi con câu gì không? Họ hỏi con câu nói nào và của ai gây ấn tượng và có tác động mạnh đến cuộc sống của con, con đã nói lại lời mẹ dặn.

Họ bảo: “Vi tính và ngoại ngữ cần, nhưng bạn có thể học trong vài tháng. Chúng tôi cần hợp tác với một người nặng lòng biết ơn và biết chắt lọc trong học hỏi.” Mẹ ơi, chính mẹ đã để phúc đức cho con!

NHỮNG LÁ THƯ CŨ: Con và chồng con có xích mích lớn vì con nghi anh ấy vẫn gặp gỡ với người bạn gái cũ. Con bực mình bỏ nhà chồng về khóc lóc với mẹ. Tối ấy mẹ mang từ trong chiếc hòm cũ ra một tập thư đã ố vàng. Đó là những lá thư của người yêu cũ gửi cho bố con trước đây.

Mẹ bảo khi bố quyết định lấy mẹ, bố định đem hết đám thư và ảnh của người yêu cũ ra đốt đi để chứng minh sự “một lòng một dạ với mẹ.”Mẹ đã ngăn lại và bảo:“Thư anh đốt mà lòng anh còn nhớ cũng chẳng ích gì. Hãy cứ để em giữ lại làm kỉ niệm.
Thỉnh thoảng anh đọc lại cũng thấy vui. Dù sao đấy cũng là những kỉ niệm gắn bó với anh một thời, sao lại cạn tàu ráo máng như vậy.” 
Bố sững sờ và ôm chầm lấy mẹ cảm động lắm. Thỉnh thoảng bố mẹ còn đọc lại những lá thư ấy, nhưng bố cả đời thủy chung với mẹ.

Hôm ấy con đã khóc thật nhiều và con tự tìm về nhà làm lành với chồng. Mẹ nói ít nhưng mẹ dạy nhiều. Chính mẹ đã lấy lại cho con hạnh phúc!

HAI VÙNG SÁNG TỐI: Khi em trai con đưa người yêu về ra mắt, con không ưng ý lắm. Mẹ im lặng không nói gì. Sau hôm gặp mẹ cô ấy, mẹ nhận xét: Mẹ cô ấy hiền hậu, phúc đức lắm. Người mẹ như thế chắc chắn cô con gái sẽ là đứa con ngoan, dâu hiền.
Mẹ đã không lầm. Hôm mẹ chồng tương lai của con sang chơi với mẹ, cụ cũng nhận xét về con y như thế. Hóa ra nhiều người nhìn nết mẹ mà đoán tính cách của con.

Năm trước con đọc báo thấy có chuyện một cô gái đang tâm đẩy con chồng xuống sông Hồng. Một thời gian sau thấy có bà dì ghẻ bắt con chồng tự khâu miệng mình lại. Con nhận xét rằng phụ nữ nhiều người ác quá. Mẹ lại bảo “phúc đức tại mẫu, những người như thế rồi lại ác giả ác báo thôi.”
Mẹ nói với con rằng những người ác chỉ là số ít,đừng vì thế mà vơ đũa cả nắm. Mẹ chỉ cho con thấy bao nhiêu người mẹ đã hy sinh hết lòng vì con, không ít người phụ nữ đã nhận nuôi hàng mấy chục trẻ mồ côi mặc dù bản thân mình còn khó khăn, vất vả. Trong đời có hai vùng sáng tối, mẹ bảo con nhìn ánh sáng mà đi!

BÀI HỌC LÀM GƯƠNG: Thấy con phàn nàn về sự chểnh mảng học tập của các cháu, mẹ bảo: “Con nhắc các cháu đi học bài, mà vợ chồng con cứ ngồi xem vô tuyến. Con chê các cháu lười học tiếng Anh mà bản thân con là cán bộ cũng không thông tỏ ngoại ngữ thì dạy bảo chúng nó thế nào?”
Ngẫm kĩ lời mẹ nói, con đã quyết định đi học lớp tiếng Anh buổi tối cùng cháu. Tối về mẹ con trao đổi bài rôm rả. Đúng như mẹ nói, khi thấy cả bố và mẹ đều miệt mài làm việc, các cháu cũng tự động lấy sách ra làm bài.

Đến nay chúng con rất yên tâm về việc học hành của các cháu. Sao có mỗi bài học đơn giản rằng “muốn con chăm thì mẹ phải siêng, muốn con hiền thì mẹ phải thảo” mà con không nhớ, phải để mẹ nhắc nhở!

Mẹ nghèo không có tiền bạc cho con, nhưng mẹ đã cho con hiểu giá trị của sự tần tảo, lòng bao dung, đức hy sinh. Mẹ không đi học, nhưng mẹ dạy con biết sống đúng mực, trọng ân tình.

Cuộc đời con lúc nào cũng có mẹ ở bên. Con có cuộc sống hạnh phúc hôm nay là do bàn tay mẹ tạo dựng. Đến bây giờ con đã hiểu rằng công sinh thành dưỡng dục do cả mẹ cả cha chung sức, nhưng không phải vô tình người ta mới chỉ phong danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và trong nhạc, trong thơ, nơi đâu cũng thấy vang lên những “Huyền Thoại Mẹ,” ” Tình mẹ,” “Lòng mẹ”…

(Nguồn: franky92683@yahoo.com)